Nốt lặng cho Hai

385

Dẫu bài viết này, tôi viết về chị, nhưng điều đó không có nghĩa, chỉ dành cho chị mà thôi…

Trích lại trong Cuốn sách Nét bút tri ân

…Ước mơ trẻ vùng cao thật giản đơn!

Một bữa no, một bữa ấm, một bữa có đôi dép dưới chân, một bữa có cái mũ đội đầu, một mùa có khăn choàng cổ, một mùa có áo mưa tơi… để em có đủ sức trèo đèo lội suối, băng núi vượt rừng tìm đường đến lớp. Dẫu có là ban đêm trong ánh đuốc lập loè, em nhỏ vẫn nghiêng đầu bên trang sách. Dẫu có là trời nắng chói chan, em vẫn say sưa ậm ờ đánh vần đôi con chữ… Dẫu nắng có lọt vào mái nhà tranh vách đất, dẫu mưa có té đừng đợt phũ phàng vào tranh sách, em vẫn miệt mài đọc và học. Con chữ đối với em như một phát minh lớn, và lắm đôi khi em ngộ ra rằng, chính con chữ ấy sẽ làm thay đổi cuộc đời của cả bản làng em… Thế nên, khó khăn của mưa dông gió rét, của sạt núi lở đường  làm sao cản được bước chân của những “chiến sĩ nhỏ trên mặt trận kiếm tìm tri thức”…

Tôi thương các em! Thương cho những búp măng non hiếu học luôn trỗi dậy đâm thẳng về hướng nắng… Tôi thương nhiều lắm… Nhưng càng thương các em thì tôi lại càng nâng tình thương ấy lên thành lòng cảm phục đối với… những người giáo viên thầm lặng nơi hẻo lánh –  xa xôi chốn thị thành… Vì đâu đó, trong số những người giáo viên như vậy, có bóng dáng chị tôi…

Một thân hình hanh hao, nhỏ bé. Nhưng tiềm ẩn sức chịu đựng phi thường và lòng nhiệt huyết đúng nghĩa của một người giáo viên nhân dân. Dẫu bài viết này, tôi viết về chị, nhưng điều đó không có nghĩa, chỉ dành cho chị mà thôi… Tôi muốn những ai đã đến với trang viết, thì sẽ biết rõ hơn, sâu hơn, và đồng cảm nhiều hơn… với chị tôi, với cả những thầy giáo, cô giáo của vùng cao…

Chị tôi đây nè. Còn tôi là cậu bé đang bấu víu vào vai chị đó…

Vượt qua trăm cây số đường đèo, vượt qua những khúc cua ngoặt vòng tay áo, những khúc cua “măng rơi”, những khúc cua mà chênh vênh nửa bên là vạt cây nghiêng ngả và nửa bên là dốc thẳm cheo leo, chị tìm đến mảnh đất mang tên – Konplong để gửi trao những gì chị đã học nơi mái trường sư phạm.

Ngày chị đi, trong chiếc vali vốn bộn bề quần áo, chăn gối, mùng màn, … lại thêm phần ngổn ngang với những trang giáo án dày cộm… Má nhìn cái vóc dáng đã chẳng hơn ai của chị mà suýt xoa với tôi… “Hai nó đi, như thể mang cả một góc nhà lên trên đó…” – “Mang được… con đã mang nhiều hơn thế này nữa má à…” – nụ cười trả đáp ngọt ngào trên khuôn mặt của cô gái ngày mai tập tễnh lên rừng làm tôi thấy chạnh lòng cho chí nam nhi gặp gì cũng mau nản…

Hồi ấy, nhớ lúc chị lên nhận công tác là những ngày đầu trời trở đông. Nhiều đêm cầm điện thoại trên tay, má rối rít hối tôi hỏi xem chị thế nào. Nhưng bao giờ cũng thế … Số máy quý khách vừa gọi hiện không liên lạc được, xin quý khách vui lòng gọi lại sau… Ừ thì không đủ sóng cho vài câu thoại. Tôi nhắn tin, dù tin nhắn đã đi trong hi vọng… nhưng lại thất vọng khi không đến… Và tôi toàn phải nhận tin phản hồi thất bại sau 12 tiếng đồng hồ… Muốn hỏi mỗi một câu: “Khi nào Hai về nhà…?”… Mà hỏi mãi không xong…

Vậy nhưng, ngay lần đầu tiên gọi về, trong tiếng gió rít khẽ và tiếng răng va lập cập vào nhau nghe rõ mồn một. Chị lại hào hứng kể về trường mới, lớp mới, về những khó khăn mà thầy cô trên đó gặp phải và chị cần má giúp chị khắc phục – vì má cũng là một giáo viên, … Giữa chừng sóng yếu… cuộc thoại cắt ngang… bỏ dở những điều chị đang định nói và bỏ cả những điều má đang cần nghe… Chị vẫn chưa cho má và tôi câu trả lời thích đáng… Khi nào chị về và hiện giờ chị có khỏe không… Sau này, nghe chị kể lại, muốn có sóng thì mọi người phải leo lên thành bồn nước tập thể để dò, thành đã cao mà gió lại lớn thì nguy cơ té luôn vào hồ là chuyện rất dễ xảy ra. Hay tin chị cũng đã từng bị mà lòng thấy thương chị lạ…

Người ta ở dưới thị đua nhau dạy thêm rần rần, dạy cho học sinh đi thi giỏi này giỏi nọ… còn chị thì mỗi lần về nhà, lại ngồi gõ giáo án lộc cộc, và đi tìm những phương pháp giảng dễ hiểu, nhằm giúp học sinh nắm được kiến thức cơ bản, trọng tâm. Nghe có vẻ dễ nhưng thật sự đó là cả một khó khăn. Khi ngày đứng lớp chính thức, tối về lại một tay lái xe, một tay rọi đèn đi vào những thôn trong dạy bổ túc. “Cực mà vui!”… Chị và đồng nghiệp vẫn thường nói đùa: “Xem ra dạy cho con người ta có cái sườn còn khó hơn là dạy cho từ cái sườn ấy vươn lên thành giỏi…” Đâu phải dạy ở vùng sâu vùng xa là giáo viên có thể lơ là đi mọi thứ… Thậm chí, họ chấm bài nhiều hơn, đầu tư kĩ hơn, và cần tính bền bỉ “chắc” hơn cho những pha học trò – đọc còn không xong.

Một lần về thăm nhà được chừng 28 tiếng, thì mất hẳn 4 tiếng đi xe, chục tiếng cho giấc ngủ, vài giờ cho gia đình… Còn lại thì vẫn là những việc trường lớp… Nào đi mua cho học sinh nộp trú thứ này thứ nọ, mua vật liệu về chuẩn bị làm đồ dùng dạy học… Nhưng  trong quỹ thời gian ngắn ấy, chị vẫn không quên khoe với tôi những bức ảnh chụp chung với đàn trẻ có làn da ngăm đen, mái tóc đỏ hoe và đôi mắt tròn xoe… Khoe những lúc cùng bọn học trò tinh nghịch “cắm” chân trong bùn để vớt hến, mò cua,… Khoe những món quà độc hơn sức tưởng tượng và đượm lòng thơm thảo… măng le, bắp non, nải chuối hột, bó chè xanh… Những món quà mà tôi cũng đã có dịp được thưởng thức khi chị chịu khó đèo bồng mang về… Rồi để đáp lại tình cảm ấy, chị lại tiếp tục chịu khó đèo bồng những bộ đồ cũ lên cho chúng…

Tôi và Cuốn sách…

Trải qua những cuộc thực nghiệm dài với vùng đất mới, tôi cảm tưởng như, chị đã dồn hết nhiệt huyết sức trẻ vào đó… Bằng chứng thiết thực nhất là tấm bằng khen giải nhì giáo viên giỏi cấp huyện… Ôm cái khung vẻ vang trong bộ dạng ướt sũng, ngập bùn. Má tôi không cầm được nước mắt… “Thân gái dặm trường, ai không xót”. Nhưng điều cốt yếu là chị đã biến nỗi xót xa trong má và tôi thành niềm tin, niềm vui chung với chị… Rằng chị đã chọn đúng đường để đi…

Ba năm đã trôi qua kể từ ngày bập bẹ đứng lớp, thời gian đủ để chị trưởng thành hơn với tư cách một cô giáo. Chị đã đứng trong hàng ngũ những người phụng sự… sự nghiệp trồng người được ba năm rồi cơ đấy. Con đường thưở ba năm về trước – xù xì, sỏi đá… nay cũng đã trơn tru hơn… Trơn tru không có nghĩa là hết khó khăn. Ba năm, không có nghĩa là chị đã thỏa mãn được những gì trái tim tuổi trẻ khao khát đập, nhưng ba năm cũng không có nghĩa là chị thiếu kinh nghiệm so với những người gạo cội hay thấp vế hơn những người giáo viên của trường chuyên, trường điểm. Vấn đề ở đây là tôi luôn tự hào vì sự cống hiến thật tâm và thầm lặng của chị – của những người giáo viên như chị….

Trên mảnh đất không được màu mỡ cho lắm, trên những ngọn đồi KonPlong cao hút, rừng nối đuôi rừng, các em nhỏ đã có những “mùa chuyên cần”, có những “mùa tri thức bội thu” vì có những con người như chị tôi. Dù mùa mưa, hay mùa khô, dù đất bazan có lầy lội, thì chị tôi cũng sẽ cố gắng đến trường giữ lớp. Hơn ai hết, chính các em là người hiểu rõ nhất về tâm huyết thầy cô. Nhất là qua những đợt thiên tai mà điển hình là đợt lũ tháng 10 vừa rồi… Một tháng trời chị tôi không về nhà, và một tuần liền ngồi chênh vênh trên nước…

Tôi giờ đã xa mái ấm nhỏ, xa mẹ, xa chị để bước vào đời… Bước vào một thế giới mới với những điều khôn lường, với đầy rẫy cạm bẫy chông gai. Những lúc yếu mềm hay vấp váp, tôi vẫn thường lấy niềm tin và sự kiên định của chị ra làm gương soi lại bản thân. Tôi viết những dòng tự sự này … không theo thể một lá thư tình cảm tràn trề… cũng không có câu chuyện nào sâu sắc, rành rọt, đặt dấu ấn… Tôi chỉ viết những gì tôi nghĩ… để tri ân. Tri ân với tư cách là một người em với một người chị luôn hi sinh vì gia đình, như một người bạn tri ân một người bạn luôn sẻ chia với tôi mọi buồn vui, như một cậu trai mới lớn hâm mộ một cô gái bé bỏng có tinh thần quả cảm, sắt đá…  Tôi tri ân thay cho cả những đứa trẻ vùng cao…

Hi vọng thời gian không làm mờ đi ý chí cũng như không dập tắt được khát khao đưa chữ lên non trong chị…. Không làm cho ô bảy màu phải đóng xếp… Và rồi chị tôi vẫn sẽ:

– Hai không thấy mệt mỏi khi làm cái nghề này sao?
– Mệt thì có mệt nhưng đó là ước mơ của Hai
– Nếu cho Hai nhắm mắt mơ lại lần nữa?
– Hai vẫn sẽ mơ là cô giáo dạy trẻ… Và hi vọng giấc mơ sẽ mau qua…
– Ủa? Sao lại vậy…
– Để Hai còn tỉnh giấc và đi thực hiện ước mơ nữa chứ…

Tuỳ bút
Bài viết xuất sắc Nét bút Tri ân 2010