Con thiên nga nhỏ

140

1Tôi vẫn còn nhớ như in ngày đầu tiên bước chân vào lớp mẫu giáo nhỏ. Cả lớp chỉ vẻn vẹn có 10 trò, 1 cô. Bài học đầu tiên cô dạy là cách đếm số từ 0 đến 9. Cô đặt lên bàn 10 mảnh mica in 10 chữ số. Cô cho mỗi đứa được phép chọn một mảnh. Lũ bạn tôi tranh nhau con số 1, riêng mình tôi với tay rút bảng số 2. Cô xoa đầu hỏi nhỏ, vì sao tôi chọn nó? Ậm ờ hồi lâu, tôi nhìn cô khẽ cười: “Trông nó như một chú thiên nga vậy.” – “Nó còn đẹp hơn cả một chú thiên nga…

2 Năm tháng trôi qua, trong đầu tôi, mỗi lúc rãnh rỗi lại nghĩ suy vu vơ về con số 2 và về những ý nghĩa sâu xa của nó.
Rồi có một hôm, khi ngồi trên ban công nhìn xuống lòng đường. Nhìn lũ trẻ trong xóm chơi nhảy bước. Nhìn những đôi bàn chân bé tẹo, thoăn thoắt bật lên trong không trung và chệnh choạng tiếp đất. Nhìn chúng chênh vênh ngã đè lên nhau. Theo quán tính, đứa nào cũng chống vội đôi bàn tay yếu ớt xuống để không bị xây xát. Và tôi nhận ra, người ta cần con số hai để giữ cân bằng, để vững hơn trong những lúc khó khăn.

Những con số 2 in hằn trong mọi hoạt động thường nhật. Đấy đôi đũa dùng trong mâm cơm, thiếu một chiếc cũng như là không có. Đấy đôi giép, vẫn thường ướm vào mỗi khi ra đường, thiếu một chiếc, đành dừng lại kiếm tìm cho đủ đôi. Có lúc cầm gương soi, và tôi thử lấy tay che một nửa, sao khuôn mặt nhạt nhoà hẳn đi. Nụ cười nở trên môi cũng không còn trọn vẹn. Có phải chăng con số 2 là con số của cuộc đời. Vì nhờ nó mà sự sống hài hoà, trọn vẹn.

3 Lớn lên chút nữa, khi tiếp cận với những phép tính, tôi biết rằng nếu ta nhân, chia, luỹ thừa một đại lượng với 1 ta chỉ nhận được chính nó, còn nếu ứng dụng điều đó với số 2, kết quả là những con số mới. Có thể lớn hơn ban đầu, cũng có thể vơi đi chút ít, nhưng ta thấy thích thú vì điều đó – những điều ta không thể lường trước được. Phép so sánh toán học giữa 1 và 2 cho ta nhận ra một điều dung dị: Con số 2 là con số khởi nguồn cho những thử nghiệm mới mẻ.

4 Nói đến đây, tôi nghĩ ngay đến bài tập viết các con số, tôi nghĩ đến cách viết số 0 và số 2. Nếu số không là một vòng tròn khép kín, một vòng tròn mà điểm đầu cũng là điểm kết thúc. Nó làm ta thấy luẩn quẩn, thấy hạn hẹp. Cô nói nó giống như quả trứng, nhưng tôi không thấy thế. Quả trứng là đường cong kín nhưng sẽ có ngày nó nứt ra cho một sự sống mới. Còn số 0 thì khác, nó rỗng tuếch, mông lung. Có lẽ những trang viết được cao điểm nhất hồi ấy của tôi là trang viết về con số 2. Những trang viết mà tôi nắn nót, viết như đang vẽ, vẽ một đàn thiên nga thẳng hàng tăm tắp chờ ngày tung cánh bay. Hơn thế nữa, điểm đầu xuất phát con số này là khúc cong gấp, nhưng cái kết lại là sự bằng phẳng bởi một nét ngang liền mạch. Nó hệt như đường đời của những nhân vật cổ tích bà thường hay kể. Gian truân lắm nhưng lúc nào cũng có hậu!

5 Càng lớn, tôi càng nhận ra nhiều điều thú vị về nó. Này nhé, nếu phiên âm cách phát âm của số này – /hai/ – nó có kết cấu khá giống với từ hi trong tiếng anh. Hi là chào, là cách làm quen thân thiện, là sự kết nối giữa mọi người với nhau. Đi kèm với điều ấy là động tác đưa hai ngón tay giữa lên đung đưa như một lời cầu chúc. Đó là số 2 của chiến thắng (Victory), số 2 của nụ cười (Smile).

6 Con người chúng ta, ai mà chỉ biết hướng đến số 1 , cho dù họ phát triển toàn diện, họ dẫn đầu trước bao nhiêu con người khác. Nhưng chắc hẳn rằng, trên bước đường họ đi, dấu chân để lại là dấu chân của những con người “đơn phương độc mã”, đúng như cái tên mà người ta vẫn gọi cho nó – “đơn, độc, chiếc, lẻ”.

Nhưng nói đến số 2 người ta nghĩ ngay đến: “cặp, đôi…”, những từ ngữ gợi lên sự ấm áp, khắng khít, gắn bó. Chừng ấy phát hiện về những điều xoay quanh con số 2, đã giúp tôi hiểu ra, vì sao người ta lại nói: “Người mà nghĩ đến hạnh phúc là người luôn nghĩ đến con số 2.”….
Mr Cute
Theo Mực Tím Online