“Nếu không diệt được tận gốc của bạo lực, thì hãy thay hình đổi dạng cho nó… và học cách kiềm nó lại”*
Ngồi một mình trên ban công mỗi khi chiều về là cách tôi chọn để tặng cho mình những phút lắng lòng khi có một chuyện gì đó xảy đến. Thường thì tôi sẽ khoanh tay lại và cuối mặt nhìn về một điểm nào đó trên những song chấn thật lâu, cho đến khi tôi ngộ ra bản chất của vấn đề hoặc chí ít là thấy lòng thảnh thơi đôi chút…
Và rồi, tôi phát hiện lượng thời gian bị mất đi cho những khoảng trầm ngâm ấy dài hơn nếu như tôi đứng lên với tư thế thoải mái, hai tay dang rộng, nắm hờ vào thanh chấn ngang cùng những “cú” hít thở thật mạnh…
Bạn có biết tại sao tôi lại chia sẻ điều này với bạn không? Một câu chuyện tưởng như chẳng ăn nhập gì với đề tài mà chúng ta đang nói. Thực ra thì, ở góc ban công ấy, tôi đã chứng kiến một phần nào đó câu chuyện lục đục, cãi vã của gia đình kế bên – căn nhà không bao giờ có tiếng cười mà chỉ toàn tiếng khóc và những trận đòn roi. Thêm vào đó, đôi điều khiến tôi suy nghĩ, tại sao khi tôi khoanh tay, bó chặt người lại, tôi khó khăn hơn trong việc giải phóng những chất chứa tiêu cực hơn khi tôi thả lỏng mình và tựa vào một thứ gì đó.
HÀNH ĐỘNG # BẠO LỰC?
Hãy thử kết nối hai khái niệm “bạo lực” và “hành động” vào nhau, biết đâu được chúng ta lại tìm ra không chỉ một hướng đi mới – cách trả lời cho câu hỏi: “Vì sao bạo lực vẫn còn ở đây – trong cuộc sống này” mà còn giải mã những bí ẩn thú vị tồn tại trên cơ thể bé nhỏ của mỗi người.
Xét cho cùng, chẳng phải cái gốc của bạo lực và hành động đều là những chuyển động phối hợp giữa các bộ phận trên cơ thể sao?* Chỉ khác là bạo lực đi theo chiều hướng tiêu cực với lượng sức được sử dụng khá lớn, cùng với những mục tiêu “không chính đáng”. Hành động thì sao, nó cũng được sinh ra để lấy thông điệp từ con tim và khối óc rồi thực thi nhiệm vụ truyền tải thông điệp đó…
Lắm khi ta cứ nói “Xin lỗi” một cách vô thức nếu lỡ làm ai đó đau, ta cứ ngụy biện rằng vô tình không cố ý. Rồi khi bị bắt bẽ, ta lại nói một cách khoa học, bộ não xử lí nhầm thông tin. Hóa ra lỗi tại bộ não, tại hệ ý thức bên trong, hành động không có lỗi… Đó là câu chuyện của khoa học, tôi không bàn đến nhiều, nhưng tôi tâm niệm rằng:
“Lí trí và hành động luôn song hành. Đúng là lí trí (cái lõi) sẽ quyết định đến hành động (cái vỏ), song chúng tương tác, nghĩa là nhiều khi hành động lại thay đổi được ý thức, thông qua “vô tình” hay luyện tập.”
Chúng ta hãy thử tìm hiểu quy trình “kiềm chế bạo lực” mà tôi vừa mới nghĩ ra sau khi đọc xong một cuốn sách hay về Ngôn ngữ cơ thể. Đồng hành cùng quá trình thay đổi nhận thực, đạt đến dòng suy nghĩ tích cực… chúng ta sẽ thử thay đổi hành động – những cử chỉ đơn giản, nhỏ nhặt nhất trong cuộc sống thường ngày – khi ở nhà, lúc ở trường, hay ở khu công cộng… để xem một phần nguồn gốc của bạo lực do đâu mà ra …
NỤ CƯỜI # ĐÔI MẮT?
Nếu ai hỏi, nhìn nào đâu để bạn biết, ai đó đang vui. Có lẽ mọi người sẽ đồng thuận khi chọn đáp án: “khuôn mặt” . Bởi ở đó, ta có nụ cười – một biểu hiện rõ ràng, thông dụng và phổ biến, ta có đôi mắt – cửa số tâm hồn, khó che giấu và thay đổi cảm xúc. Gia đình sẽ u ám và nặng nề biết bao nếu thiếu đi nụ cười tươi tắn, tiếng cười thoải mái và ánh mắt trìu mến. Có phải tự nhiên đâu mà người ta gọi nhà là tổ ấm. Tổ thực sự ấm khi có rơm, rạ, cành cây, lá khô,…bện chặt vào nhau và những chú chim, còn nhà sẽ ấm khi có keo kết dính. Nụ cười có làm bạn ấm lòng và muốn cười theo, ánh mắt trìu mến có làm bạn thấy ấm áp và muốn đáp trả. Bạn còn nhớ câu chuyện Căn nhà 1001 con chó với bài học “Bạn cho đi điều gì sẽ nhận lại điều đó” không? Có ai lại nổi cáu khi bạn cười thân thiện với họ, có khi nào bạn lại quắt mắt nhìn người đang ấm áp nhìn bạn; nhất là khi họ là người thân trong gia đình.
Những lúc đi xa, tôi rất nhớ nhà, làm sao có thể quên đi nụ cười của đứa em và ánh mắt trìu mến của mẹ.
Người ta có xu hướng quên đi cái buồn và lưu lại những điều tốt đẹp. Sẽ không ai muốn nhớ một khuôn mặt cau có để thêm bực mình. Thế nên, cười và nhìn trìu mến để nhớ về nhau nhiều hơn.
Tôi hay cười lắm, vì vậy mỗi lần bố bực mình tôi chuyện gì, có lẽ nụ cười của tôi trong tiềm thức của bố lại làm ông hạ hỏa. Khi cười nhiều, bạn cũng sẽ kéo dài sự hứng khởi và gia tăng những hành vi tích cực khác nữa đấy! Một người bị ung thư đã kéo dài thời gian sống nhớ xem phim hài, thế nên hãy cười để yêu đời và tăng thời lượng bộ phim gia đình của chúng ta nhé.
NẮM TAY # NGÓN TRỎ?
Nhớ lại hình ảnh ông chồng nhà bên cạnh, khi nói chuyện với vợ, ông ta lúc nào cũng đưa duy nhất ngón trỏ để chỉ vào vợ.
Bạn hãy thử làm động tác này, có phải lúc nắm lại, bạn cảm giác như mình đang rất hung hăng chăm chăm vào đối tượng và trở nên độc đoán hơn khi bốn ngón khép cong cứng và một ngón thẳng đơ.
Những ông chồng khi say cũng thường đi khệnh khạng và nắm chặt tay sau lưng, đầu cuối gằm và miệng lầm bầm liên tục, bạn có biết hành động đó dễ làm con người ta hênh hoang, háu chiến, hai tay đưa sau lưng đã phô diễn phần ngực quan trọng với hàm ý: “Không cần tấm chắn, tôi vẫn rất oai hùng”…
Nó cũng khá giống hình ảnh những ông bố đang tìm con để phạt lỗi với cây chỗi sau lưng khi chúng trốn đâu đó. Mỗi lần bố tôi làm vậy, là tôi biết sẽ có chuyện gì đó xảy ra, nên thường thì tôi sẽ đưa một tách nước cho bố… Ngạc nhiên thay, kết quả sẽ là bố đi ngủ và tạm để câu chuyện bực bội qua một bên. Hồi xưa, bố tôi hay dùng điệu chỉ tay lắm, tôi thường không nói gì mà chỉ đến ngồi kế bên để thúc nhẹ bố, nhờ lấy giùm mình cái gì hoặc nắm thật chặt bàn tay ấy để lên phần đùi… Đó là cách giúp bố phá thế tiêu cực mà tôi vẫn làm cho đến bây giờ…
Nói đến cái nắm tay, tôi mới sực nhớ ra, có phải người Tây dùng hành động này thường xuyên hơn chúng ta. Ở Việt Nam và một số nước châu Á nói chung, hành động này bắt gặp nhiều trong công việc. Tôi thiết nghĩ, nắm tay rất hay, tôi không hiểu kết cấu dây thần kinh, cảm xúc,… của bàn tay như thế nào, nhưng dường như, đằng sau lời nói, bàn tay là một bộ phận truyền đi thông điệp khá hữu hiệu.
Nắm tay làm người ta thấy an lòng. Kẽ hở giữa năm ngón tay là để bàn tay khác lồng vào đấy thôi. Lần vấp ngã trong những bước đi đầu đời, tại sao ta thường nín ngay và có xu hướng đưa tay về phía bố mẹ,… vì ta biết có một đôi tay khác sẽ nâng ta lên.
Chẳng phải bố mẹ cũng thường dang tay ra như mở rộng lòng để ôm ta vào khi ta vấp ngã sao. Càng lớn dường như hành động đó càng ít đi. Mà thay vào đó là những cái khoanh tay trước ngực. Khi khoanh tay, bạn như đóng mình lại – đó là dấu hiệu của phòng ngự – che giấu con tim…
Khi mở tay ra, bạn như khẽ nói rằng, tôi an toàn, vì lòng bàn tay nói lên nhiều điều của cuộc đời mình, nhưng bạn đã mở nó ra, thì chẳng có lí do gì để đối phương không tin bạn… Bao lâu rồi, bạn không mở rộng tay đón ai đó, bao lâu rồi bạn không thấy bố mẹ mình mở rộng tay như ngày xưa… Tôi thích câu: “Ra đi là để trở lại”. Bởi vì sau một khoảng thời gian xa cách, những cảm xúc lâu ngày cột chặt được giải tỏa bằng một cái ôm rộng lòng tay. Cái ôm mà hiếm khi được thực hiện nếu ngày nào cũng chạm mặt nhau. Ừ thì không ôm, nhưng khi nói chuyện, hãy thử thả lỏng tay hoặc mở tay ra để tạo sự thuyết phục và thêm lòng tin cho nhau nhé….
VÙNG THÂN MẬT # VÙNG GIAO TIẾP?
Tôi nói bạn nghe, vì sao ta gọi người không quen là kẻ xa lạ, vì khoảng cách giữa ta và họ khá xa khi tiếp xúc. Bạn thấy không, thường thì có người lạ nào dám đứng gần bạn trong khoảng cách 5 – 10cm? Nhưng người thân thì có thể! Mỗi người đều có một quả cầu không gian đi cùng; được xem như là ranh giới từ cơ thể mình đến cơ thể khác. Người trong gia đình sẽ nằm trong vùng thân mật – rất gần – đủ cho một cái ôm hờ, … rồi mới đến vùng giao tiếp, … Đã sinh ra vùng thân mật, thì tại sao cứ phải giãn cách vùng ấy. Những đứa trẻ thường khóc khi bố mẹ để chúng ở lại vì chúng sợ mất đi những cái ôm, cái nựng, nhưng cũng để người xa lạ không được chạm vào khoảng an toàn – vùng thân mật của nó đấy… Đã là người thân, trong mức giới hạn cho phép, hãy gửi cho nhau thông điệp của sự tin cậy…
Tôi thấy gia đình nhà bên cạnh hay cãi nhau vì khoảng cách giữa người vợ và người chồng, khoảng cách giữa bố và con rất xa. Rất có thể ở khoảng cách ấy, người vợ, người con mới cảm giác an toàn và tránh được kịp thời những cú “tung chưởng” hay “đĩa bay”.Vô hình chung, vùng thân mật đã chuyển sang vùng giao tiếp. Và cứ thế, họ sẽ thành những kẻ “rất xa lạ” trong đời nhau…
Tôi nghĩ thế này,
Đàn ông hay dùng nắm đấm để thể hiện sức mạnh, nhưng đôi khi, trong nét lãng mạn của tình yêu, trong sự cao thượng và bản tính thích che chở người khác, khiến đôi bàn tay ấy cũng đôi khi gạt đi nước mắt cho người thân.
Thế nên, hãy tập gạt tay lau đi nước mặt nhiều hơn… để lúc nào đó, nếu muốn “tung chưởng”, hình ảnh mình của ngày hôm qua – người biết cách an ủi, làm nhẹ đi nỗi đau của người khác sẽ không cho phép mình làm đau ai cả…
LẮNG NGHE # GẬT ĐẦU?
Cuối cùng, xin hay học cách lắng nghe và gật đầu (đúng lúc). Thượng đế sinh ra hai cái tai và một cái miệng là để như vậy.
Hãy nghe nhau không phải bằng thính giác thôi, mà nghe bằng cả con tim. Nghe nhau nhiều, hiểu nhau hơn thì sẽ dễ dàng bỏ qua cho nhau.
Hãy tập cách cắt ngang lời nói lịch sự. Còn gật đầu, ấy là khi bạn chấp nhận, đồng ý… Ấy cũng là khi bạn chỉ ra hiệu lắng nghe và hiểu thôi. Gật đầu đúng cách, có cân nhắc để tìm cho mình thói quen tích cực trong tiếp nhận ý kiến nhé.
Nếu bài viết này của tôi đúng, đúng một phần, “bao lực sinh ra, đôi khi từ những hành động nhỏ mang tính tiêu cực” thì hãy gật đầu nhé. Bởi lúc đó, tôi sẽ lại cười và nhìn bạn trìu mến!